Những bài tập giúp tăng cường trí nhớ

Suy giảm trí nhớ là căn bệnh phổ biến của người cao tuổi. Nguyên nhân khiến suy giảm trí nhớ do não bộ bị rối loạn, làm mất chức năng nhớ và nhận thức…ảnh hưởng đến hành vi và tác động trực tiếp đến cuộc sống con người.
Ở tuổi 40 tuổi, tỷ lệ suy giảm trí nhớ chỉ chiếm 0,1% dân số, đến trên 65 tuổi tỷ lệ này là 5% - 8%, sau 75 tuổi tăng lên 15% - 20%, sau 65 tuổi tăng gấp đôi sau 5 năm.
Vậy, làm thế nào để tăng cường trí nhớ, chống lại căn bệnh của tuổi già?

Định nghĩa về trí nhớ

Trí nhớ là một khả năng của trí tuệ để thu thập, tích trữ và lấy ra các sự kiện mà con người đã trải qua trong quá khứ.
Có trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn. Ngắn hạn không tồn tại lâu và có thể chuyển sang dài hạn và lưu trữ mãi mãi.

Sự phát triển của não bộ

Khi mới sinh, não bộ nặng khoảng 50 gr, lúc trưởng thành nặng 1,5 kg. Não bộ có mầu xám nhạt với cả tỷ tế bào và nhiều triệu dây nối tiếp giữa các tế bào. Tín hiệu chuyển từ tế bào này sang tế bào khác ở chỗ nối tiếp và bằng hóa chất trung gian Acétylcholin.
Mỗi ngày có từ 60.000 tới 100.000 tế bào thần kinh bị hủy diệt và không được thay thế, khi tới tuổi 65, có đến 1/10 tổng số tế bào thần kinh bị tiêu hủy. Tuy nhiên, những tế bào còn lại có thể lãnh phần trách nhiệm của những tế bào xấu, chúng sẽ mọc ra nhiều nhánh xen kẽ vào khoảng trống để tiếp nhận tín hiệu thần kinh.



Não bộ của con người(Ảnh minh họa)
 
Ở tuổi già, khối lượng não nhỏ đi, tế bào thần kinh thay đổi hình dạng, sự truyền tín hiệu chậm lại, chất lipofuscin xuất hiện giữa tế bào, có thể gây rối loạn cho các cơ năng của não, máu vào óc ít hơn, sự cung cấp dưỡng khí cũng giảm.
Từ tuổi 20 tới 90, não nhẹ bớt đi khoảng 5-10% và chứa nhiều chất lỏng hơn. Những thay đổi này có ảnh hưởng tới trí nhớ.

Những bài tập giúp tăng cường trí nhớ

Nghe nhạc
Phương pháp:
+ Lắng nghe một bài hát mà chúng ta yêu thích (về quê hương, cuộc sống…) nhiều lần để giúp não bộ làm quen với giai điệu và dần ghi nhớ nhạc điệu của toàn bộ bài hát.
+ Chép bài hát đã nghe ra giấy sau đó học thuộc.
+ Sau một thời gian (2 tuần hoặc 1 tháng) học thuộc bài hát đó (cả lời và giai điệu bài hát)
Mục đích:
+ Giúp tăng cường khả năng ghi nhớ của não.


Nghe nhạc giúp tăng cường trí nhớ(Ảnh minh họa)

Tập trung trong vòng 8 giây
Phương pháp:
+ Tập trung suy nghĩ về một điều gì đó cần ghi nhớ (ngày giỗ ông, bà, thời gian họp lớp…) trong vòng 8 giây.
Mục đích:
+ 8 giây là khoảng thời gian cần thiết để thông tin có thể di chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn của con người (một số nghiên cứu đã thử nghiệm và khẳng định điều này).

Sử dụng tay không thuận
Phương pháp:
+ Sử dụng tay không thuận (trái, hoặc phải) để thực hiện các động tác đơn giản như: uống nước, đánh răng…)
Mục đích:
+ Đòi hỏi sự tập trung cao độ của não bộ.
+ Tạo cơ hội để não bộ vận động nhiều hơn.

Tính nhẩm
Phương pháp:
+ Tính nhẩm khi đi chợ, khi đi mua bán hàng hóa…
Mục đích:
+ Tính nhẩm giúp não bộ phải vận động.
+ Giúp tăng cường trí nhớ.

Tính nhẩm giúp não bộ vận động và tăng cường trí nhớ…(Ảnh minh họa)

Học thêm một ngôn ngữ mới
Phương pháp:
+ Học thêm một ngôn ngữ mới: tiếng Anh, Nhật…
Mục đích:
+ Học thêm ngoại ngữ là một bài tập rất tốt cho não bộ.
+ Học thêm một ngôn ngữ giúp não bộ làm việc liên tục, giúp tăng cường trí nhớ.

Ghi nhật ký
Phương pháp:
+ Hàng ngày (vào buổi tối) ghi lại những sự kiện đã diễn ra trong ngày: gặp ai, ăn gì, những gì đáng nhớ..
Mục đích:
+ Ghi chép lại những việc đã làm trong ngày.
+ Giúp não bộ suy nghĩ và vận động.


Ghi chép những việc đã làm trong ngày giúp tăng cường trí nhớ (Ảnh minh họa)

Ngủ đủ thời gian
Phương pháp:
+ Ngủ đủ 8h/ngày.
+ Buổi trưa chợp mắt từ 20 đến 45 phút.
Mục đích:
+ Khi ngủ não bộ tiếp nhận các kích thích khi chúng ta thức và sử dụng thời gian ngủ để xử lý chúng.
+ Ngủ là lúc thông tin được củng cố và đưa vào bộ nhớ dài hạn.

Rèn luyện thân thể
Phương pháp:
+ Chơi các môn thể thao: đi bộ, chạy, bơi lội, tập yoga, đánh cầu lông, tennis…tùy theo sức khỏe của mỗi người.
Mục đích:
+ Rèn luyện thân thể giúp tăng cường sự tỉnh táo và cung cấp thêm oxi cho não.
+ Vận động, rèn luyện thân thể sẽ kích thích sản sinh những tế bào thần kinh phụ trách việc ghi nhớ.
Vận động thân thể giúp sản sinh tế bào thần kinh phụ trách việc ghi nhớ (Ảnh minh họa)

Suy nghĩ tích cực về bản thân và cuộc sống
Phương pháp:
+ Luôn nghĩ về một tương lai tốt đẹp: cuộc sống bình dị, gia đình hạnh phúc, con cái thảo hiền…
Mục đích:
+ Cuộc sống và tinh thần luôn vui vẻ sẽ có một thể lực dồi dào và một trí nhớ dẻo dai.
Ngoài ra các hoạt động: đọc báo, viết thư, giải ô chữ, chơi đoán câu đố, tham gia chơi trò chơi trí tuệ... là những hoạt động đơn giản nhưng có tác dụng rất tốt với não bộ.

Lời kết
Tuổi già đến kéo theo sự giảm sút về sức khỏe, đặc biệt là sự suy giảm trí nhớ (nói rồi quên, việc cần làm không làm, hay nhầm lẫn…) gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, để rèn luyện và tăng cường trí nhớ, ngay từ tuổi thanh niên chúng ta cần tập các thói quen: ngủ đủ 8h/ngày, đi ngủ đúng giờ, rèn luyện thể thao, nghe nhạc, đọc sách báo, ghi nhật ký…để rèn luyện thói quen cho não bộ, hạn chế chứng suy giảm trí nhớ khi tuổi về già.